Chiếc khăn quàng lụa xứ Luan Phrabang

Dulichbui's Blog - Chuẩn bị lên xe đến miền thượng Lào, các bạn đồng hành của tôi đã có sẵn trong lappy hàng trăm hình ảnh Luang Phrabang trầm mặc, cổ kính cùng những cảnh đẹp chùa chiền, hang động, thác nước kỳ vĩ. Nhưng với tôi, chuyến đi Thượng Lào lần này lại mong tìm những ấn tượng riêng mới - về những người trẻ trên miền đất cố đô.
Học việc ở những làng nghề
Cố đô Luang Phrabang bao giờ cũng có một vẻ an nhiên tự tại mê hoặc. Chạy xe trên các con đường nằm giữa những kiến trúc khép kín còn lại từ thời thuộc địa cùng các ngôi chùa bình yên, lặng lẽ hàng trăm năm tuổi, lòng tôi như chùng xuống. Thời gian ở Luang Phrabang vẻ như chậm hơn hẳn so với những vùng đất khác trên thế giới. Với một ngày dài, tôi chọn hành trình một mình ngược dòng Mekong để đến các làng nghề truyền thống nằm ven đôi bờ.
Ở bản Chang, chỉ cách bến thuyền ngay cố đô Luang Phrabang độ nửa giờ đi thuyền, đột ngột mở ra cả một không gian làm gốm truyền thống. Gia đình nào của làng cũng làm gốm. Và bạn nhỏ nào cũng có thể tự mình làm ra các sản phẩm riêng. Cậu bé Khamphan, 12 tuổi, chào hàng với tôi hai chiếc lọ và hai con voi bằng đất nung với giá chỉ 1 đôla.
Cậu cười toe, cho biết những sản phẩm này do chính tay cậu làm. Như để chứng minh, cậu ngồi ngay vào bàn xoay, vắt cục đất và nặn ngay thành hình một chậu phong lan chỉ với thời gian chưa đầy một phút. Khamphan kể: "Em tự học nghề từ ba và ông nội đó. Ở bản, tuổi như em đứa nào cũng biết làm gốm. Tự nghĩ rồi tự làm ra những gì mình thích, đem nung, rồi bán cho du khách tham quan bản, hoặc đem tặng bạn bè ở bản khác".

Làm gốm ở bản Chang

Tôi cũng ngồi vào bàn xoay, thử tay nghề. Chất đất mát lạnh bên dòng Mekong thấm vào lòng tay khi tôi cũng miết, xoay, cố gắng tạo hình một cái nồi đất! Cậu bé Khamphan hướng dẫn tôi làm, cười khanh khách. Khi cái nồi đất thành hình, cậu hẹn tôi hai ngày nữa quay lại bản, lấy chiếc nồi do chính lò nhà cậu nung.
Thêm một giờ nữa đi thuyền ngược dòng Mekong, tôi đến bản Xieng Lek. Theo guidbook tôi cầm theo, con gái trong bản ai ai cũng biết tự tay dệt váy áo, khăn choàng cho riêng mình. Trong không gian nhộn nhịp của xưởng dệt, những người tôi gặp đầu tiên là 5 cô gái đang miệt mài dệt bên khung cửi. Thật bất ngờ, cả 5 đang là sinh viên trường Đại học Souphanouvong.
Phengsouvanh - sinh viên năm I khoa Sư phạm nói tiếng Anh rành rọt: "Tụi mình đến đây làm "part-time job" ngoài giờ học đấy. Và cũng là nâng cao tay nghề. Là con gái bản Xieng Lek, cái quan trọng nhất là phải giữ được nghề truyền thống".

Trẻ em bản Chang ai cũng biết làm gốm


Phá cách cần thiết
Ngược hẳn với hình dung của tôi về làng nghề chỉ có những người lớn tuổi, dọc triền sông Mekong, đi đến bản làng nào, từ làng dệt lụa, làm giấy Sa truyền thống, làng gốm… nơi đâu tôi cũng có dịp hòa mình vào bầu không khí nhộn nhịp với những người trẻ của làng nghề. Một cách tự nhiên, ai cũng đầy ắp nhiệt huyết với những giá trị truyền thống của gia đình, làng bản.
Thế kỷ trước, hầu hết những sản phẩm thủ công ở các bản làng dọc triền sông Mekong gắn chặt với cách sản xuất theo chuẩn mực từ đời xưa truyền lại. Đời cha làm gốm, chuyên làm vò đựng rượu, đến lượt con cũng chỉ biết làm vò đựng rượu mà thôi. Nhưng, bây giờ, lứa trẻ tiếp nối đã mang tư duy khác hẳn.
Anh bạn tên Kai ở bản Chang cho biết: "Nhà tớ chuyên làm lu, vại. Mẫu có sẵn, đầy. Nhưng tớ thường tự nghĩ ra những sản phẩm riêng để tự làm. Khi thì con voi, khi con trâu, con gà… Những gì nghĩ ra, thấy khả thi, là bắt tay vào nặn đất, đưa lò nung. Tớ thích cách làm đó hơn là quanh quẩn với sản phẩm cố định. Mà khách hàng cũng thích mẫu mới lắm".
Những người trẻ ai cũng nhiệt huyết với nghề truyền thống

Ở làng dệt Xieng Lek, nổi nhất hiện nay là bạn Taddam, 22 tuổi. Các bạn sinh viên đến làng làm thêm hay nghiên cứu cũng thích gặp designer Taddam để trao đổi, cùng thực hiện những ý tưởng mới trong cách phối màu cho các sản phẩm dệt truyền thống.
Taddam cho biết: "Những tấm lụa của tôi không giống bất kỳ nơi nào ở Luang Phrabang. Đó là sự thoát ly khỏi khuôn phép truyền thống của nghề dệt trong cách phối màu, tìm vẽ họa tiết. Sản phẩm của tôi mang phong cách hiện đại hơn. Đó là sự phá cách cần thiết để sản phẩm của làng dệt dễ hòa nhập với thế giới bên ngoài. Khách hàng của tôi đa phần đến từ các nước. Tôi nghĩ, phải luôn thay đổi mới tồn tại được…".

Nhưng vẫn giữ được hồn xưa
Dù du khách phương Tây kéo đến Luang Phrabang hàng năm rất đông, nhưng nét đẹp bình dị của Luang Phrabang từ cảnh vật đến con người vẫn nguyên vẹn. Có thể tìm thấy những bước nhảy hip hop, những bài nhạc rap thời thượng trong lối sống thường ngày của những bạn trẻ Luang Phrabang đôi khi, nhưng, buổi chiều xuống, ở sân Hoàng cung xưa, nay là Bảo tàng quốc gia ngay dưới chân núi Phou Si, từng nhóm nam thanh nữ tú lại tập trung để học những bước nhảy truyền thống.

Các thiếu nữ uyển chuyển cùng điệu múa của nàng Pho Nang Keo,
một điệu múa gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Lào


Tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến từng nhóm bạn trẻ tập từng động tác không mệt mỏi theo bước nhảy của chú khỉ Hanuman trong sử thi Ramayana đã được người Lào biến thể. Giờ nghỉ giải lao, Un Houn - 17 tuổi, bắt chuyện với tôi: "Em học điệu nhảy này vì muốn giữ lại những giá trị truyền thống của Lào. Em mong muốn khi hoàn thành lớp học sẽ có nhiều cơ hội để giới thiệu những bước nhảy thú vị, độc đáo này cho nhiều bạn bè thế giới xem".
Ở một góc sân khác là các bạn nữ, cũng đang miệt mài uyển chuyển cùng điệu múa của nàng Pho Nang Keo, một điệu múa gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Lào. Pho Nang Keo là hoàng hậu của vị vua nổi tiếng Fa Ngum. Bà đã mang điệu múa truyền thống của người Khơme sang cố đô Luang Phrabang từ thế kỷ 14, biến thể thành điệu múa đặc trưng của người Lào và được lưu truyền cho đến tận hôm nay. Những bước tiếp nối hoàn hảo từ thế hệ trẻ biết thâu nhận giá trị văn hóa truyền thống đã làm cho miền đất cố đô cực kỳ quyến rũ.
Còn với những người trẻ làng nghề, việc giữ giá trị truyền thống cũng được thể hiện rất rõ. Cô nàng designer Taddam nhấn mạnh: "Cách tân trong các thiết kế nhưng vẫn phải dựa trên nền tảng truyền thống. Đó mới là giá trị thực của những sản phẩm được làm từ làng nghề trên cố đô Luang Phrabang. Đó cũng là cách nhanh nhất để bạn bè khắp nơi biết đến một giá trị và vẻ đẹp mới của quê hương mình".
Tôi được Taddam tặng một chiếc khăn quàng lụa mát rượi do chính tay cô dệt. Theo tôi suốt những ngày rong ruổi miền thượng Lào, che nắng, thấm mồ hôi, chiếc khăn làm tôi nhớ mãi cảm xúc chân tình khi ở cạnh những người bạn trẻ bên dòng Mekong. Và tôi chợt hiểu, sức sống miền đất cổ kính như Luang Phrabang được lưu giữ chính nhờ những người trẻ biết cân bằng giữa nhịp sống hiện đại và truyền thống quý giá tổ tiên truyền lại.

Linh Sa (Báo SVVN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fan Xteen1 Trong Facebook

Video Gallery