Các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam

Dulichbui's Blog - Tại Khóa 19 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (Hội đồng MAB) tổ chức ở thủ đô Paris, Pháp từ ngày 23 – 27/10/2006 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Kiên Giang đã được công nhận là khu DTSQ thế giới. Như vậy đến nay cả nước có tất cả 5 khu DTSQ thế giới. Mỗi khu DTSQ của Việt Nam có những đặc điểm, đặc trưng và giá trị riêng...


Các khu DTSQ thế giới của Việt Nam là: Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, đồng bằng sông Hồng, Kiên Giang, vườn quốc gia Pù Mạt và mới nhất là mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam).

1- Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang

Khu DTSQ Kiên Giang có ba vùng lõi thuộc các Vườn Quốc Gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc, và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải. So với 4 khu DTSQ được công nhận trước đó, khu DTSQ Kiên Giang có phần đa dạng hơn về cảnh quan cũng như hệ sinh thái. Tổng diện tích chính xác của khu DTSQ Kiên Giang là 1.118.105 ha, lớn nhất trong số các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Về cảnh quan bao gồm các mẫu cảnh quan tiêu biểu và độc đáo là rừng tràm (Melaleuca) trên đất than bùn khu vực U Minh Thượng; khu vực đảo Phú Quốc có nhiều sông suối, các bãi tắm chạy dài dọc bờ biển; khu vực Kiên Lương – Kiên Hải với hơn 30% diện tích là đồi núi và hải đảo, còn lại là rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập nước theo mùa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Khu DTSQ Kiên Giang là nơi tập trung nhiều hệ sinh thái rừng nhiệt đới như: hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh, hệ sinh thái rừng trên núi đá, hệ sinh thái rừng ngập chua phèn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rú bụi ven biển và hệ sinh thái rạn san hô - cỏ biển. Đây là nơi bảo tồn nhiều nguồn gen động vật và thực vật quý hiếm (sẽ được đề cập chi tiết hơn ở bài giới thiệu riêng về khu DTSQ Kiên Giang).

2- Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ
Khu DTSQ này có tên đầy đủ là khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, thuộc t.p Hồ Chí Minh (tp.HCM), được UNESCO công nhận vào ngày 21/01/2000, tổng diện tích trên 71 ngàn ha, dân số hơn 57 ngàn người.
Cánh rừng này được giới chuyên môn đánh giá là rừng ngập mặn đẹp nhất Đông Nam Á được khôi phục sau khi bị chất độc hóa học hủy diệt gần như toàn bộ trong thời gian chiến tranh. Tên cũ của rừng là rừng cấm Quảng Xuyên - Cần Giờ. Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, nơi đây nổi tiếng với những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh và nhiều loài động vật hoang dã. Chất độc hóa học đã rải xuống nhiều lần trong suốt gần 10 năm chiến tranh (1964-1972) làm cho hơn 80% rừng ngập mặn có nhiều cây cổ thụ bị chết. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được khôi phục lại.
Khu DTSQ Cần Giờ cách tp.HCM 30-40km đường chim bay, đây được coi là “lá phổi xanh của thành phố” bởi có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm và hấp thu CO2 do các hoạt động công nghiệp thải ra từ tp.HCM. Ngày nay những quần xã thực vật bản địa mà loài đước đôi (Rhizophora apiculata) chiếm ưu thế ở đây không còn nguyên vẹn do bị chất độc hóa học của Mỹ hủy diệt. Thay vào đó là quần xã thực vật rừng tái sinh và trồng mới, trong đó chủ yếu là cây đước nhập giống từ rừng Năm Căn, Cà Mau vì nguồn giống tại chỗ của Cần Giờ không đủ cung cấp (đến năm 1990 mới có nguồn giống đước tại chỗ). Từ năm 1984 trở đi, một số loài cây khác như gõ biển (Intsia bijuga), dà vôi (Ceriops tagal), dà quánh (C. decandra), cóc trắng (Lumnitzera racemosa), xu ổi (Xylocarpus granatum), tra (Thespesia populnea),... cũng được trồng để phủ xanh các vùng đất cao, ít ngập triều.
Khu DTSQ Cần Giờ có vùng lõi 4.721 ha. Vùng này đặc trưng cho các hệ sinh thái rừng trồng và đặc biệt là rừng ngập mặn tái sinh tự nhiên dọc theo các kênh rạch và bìa rừng với tính đa dạng sinh học cao về thành phần các loài động vật, thực vật, vi sinh vật với cảnh quan rừng ngập mặn đa dạng.
Vùng đệm của khu DTSQ Cần Giờ hơn 37 ngàn ha. Còn lại là vùng chuyển tiếp có diện tích hơn 29 ngàn ha. Đây được xem là vùng phát triển bền vững, nơi cộng tác của các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ đi đôi với tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng.

3- Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên
Khu DTSQ Cát Tiên, thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc, được UNESCO công nhận ngày 10/11/2001, tổng diện tích gần 729 ngàn ha. Đây là một khu rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam nước ta, với rất nhiều loài động thực vật quí hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là loài tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus). Các hệ sinh thái ở đây cung cấp rất nhiều dịch vụ sinh thái trong đó phải kể đến chức năng điều hòa nước vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn Đông Nam bộ, kể cả T.P Hồ Chí Minh.
Các hệ sinh thái rừng đặc trưng ở đây là rừng lá rộng thường xanh, rừng tre nứa, rừng hỗn giao,… chạy dài từ vùng núi cao xuống tận cao nguyên Lâm Đồng, xen lẫn là các hệ sinh thái đồng cỏ, đất ngập nước cùng với rất nhiều loại hình vùng chuyển tiếp sinh thái (Ecotone). Đây là nơi giao thoa của các loại rừng mưa ẩm nhiệt đới núi cao, cao nguyên và phức hệ rừng hỗn giao, đất ngập nước đầu nguồn làm nên sự đa dạng và phong phú không nơi nào có được ở nước ta. Đây là nơi ở và kiếm ăn cho nhiều loài động vật quí hiếm bao gồm các loài động vật có vú, chim, bò sát, cá, côn trùng, sâu bọ,…
Trải dài trên diện tích của bốn tỉnh, khu DTSQ Cát Tiên có diện tích lớn nhất về các hệ sinh thái nội địa. Có 11 dân tộc anh em sống ở đây, những dân tộc chính bao gồm: người Kinh (vùng đồng bằng, đất thấp), người S’Teng và Châu Mạ, Châu Ro sống định cư ở đây từ vài thế kỷ. Ngoài ra còn có các dân tộc ít người mới từ miền Bắc chuyển vào như Tày, Nùng, Dao, Hoa, H’Mông,… khu DTSQ có tổng số 32 xã, thị trấn nằm trong địa giới hành chính của 13 huyện, thị trấn thuộc 4 tỉnh với hơn170 ngàn dân.
Vùng lõi của khu DTSQ có diện tích gần 74 ngàn ha, là vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên. Do một số vùng rừng nguyên sinh còn sót lại, đa dạng sinh học ở đây được giữ lại gần như ở trạng thái nguyên vẹn. Vùng lỏi này có nhiệm vụ bảo tồn 1.610 loài thực vật, trong đó có 31 loài quí hiếm, 23 loài chỉ có ở Cát Tiên. Trong số các loài thực vật có 30 loài được bảo tồn nguồn gen, 511 loài cây gỗ (176 loài gỗ quí), 550 loài cây làm thuốc và hàng trăm loài có giá trị thực phẩm, lấy dầu, lấy sợi,… Hiện có có 34 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như gỗ đỏ (Afzelia xylocarpa), cẩm lai (Dalbergia oliveri), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus),... Các loại rừng này là nơi ở và kiếm ăn của các loài động vật chỉ có ở vùng rừng nhiệt đới.
Đến nay, đa dạng sinh học của Cát Tiên vẫn chưa xác định hết, công việc này vẫn còn đang tiếp tục. Đến nay các nhà khoa học đã công bố 77 loài thú, 318 loài chim, 58 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư và 130 loài cá, trong đó nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng như voi châu Á (Elephas maximus), tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus), heo rừng (Sus scrofa), bò tót, voọc vá chân đen ( Pygathrix nigripes), vượn đen má hung (Hylobates gabriellae). Trong khu DTSQ có 3 loài chim đặc hữu là gà so cổ hung (Arborophila davidi), gà tiền mặt vàng (Polyplectron germaini) và chíc chạch xám (Macronous kelleyi). với nhiều loài chim nước rất hiếm như ngan cánh trắng, già đẫy... và rất nhiều loài sâu bọ,... Trước đây Cát Tiên còn có Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis), nhưng hiện tại loài này gần như đã tuyệt chủng. Trong những năm gần đây loài cá sấu này được đưa trở lại trong điều kiện tự nhiên của khu vực Bầu Sấu.
Vùng đệm của khu DTSQ Cát Tiên có diện tích trên 251 ngàn ha. Mặc dù gọi là vùng đệm nhưng do Cát Tiên có nhiều sinh cảnh rừng khác nhau từ rừng thường xanh nguyên sinh, rừng rụng lá nguyên sinh và thứ sinh, trảng bụi, trảng cỏ, đất ngập nước với các loại hồ và các trảng cỏ ngập nước theo mùa và nhiều kiểu sinh cảnh giao thoa sinh thái liên tục giữa vùng lõi và vùng đệm, không ở đâu thấy rõ vai trò của vùng đệm quan trọng như thế nào đối với công tác bảo tồn ở vùng lõi như ở khu vực này.
Vùng chuyển tiếp của khu DTSQ Cát Tiên có diện tích trên 403 ngàn ha.

4- Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
Tên chính thức là khu DTSQ quần đảo Cát Bà, thuộc tp.Hải Phòng, được UNESCO công nhận vào ngày 2/12/2004. Khu DTSQ này có tổng diện tích hơn 26 ngàn ha, trong đó vùng lỏi là 8.500ha, vùng đệm gần 8 ngàn ha và vùng chuyển tiếp là 10 ngàn ha; số dân trên 10 ngàn người.
Trong khu DTSQ Cát Bà có một quần thể voọc duy nhất còn sót lại trong những mảng rừng nguyên sinh trên núi đá vôi là voọc Cát Bà. Loài này có tỉ lệ sinh sản rất thấp, có thể tiêu hoá được những lá cây mà hàm lượng độc tố dù rất nhỏ đã có thể gây chết đối với con người. Mang trong mình những bí ẩn của thiên nhiên, cùng với nhiều loài quí hiếm và những cảnh quan đẹp nổi tiếng.
Quần đảo Cát Bà thuộc địa phận huyện Cát Hải, cách tp. Hải Phòng 60 km. Cát Bà có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi của 123 họ. Rừng ở đây là loại hình rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi hợp thành từ nhiều kiểu phụ như rừng trên đỉnh và sườn núi đá vôi, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi (ao ếch) và rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn nằm ở phía Tây Bắc đảo, các loài chủ yếu bao gồm đước, trang, ô rô, ráng, sú,... đặc trưng của vùng bờ biển Đông Bắc bộ. Dưới biển là các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, tảo phù du, tảo đáy.. Đây là môi trường lý tưởng cho các loài thuỷ hải sản. Có giả thuyết cho rằng bò biển (Dugong dugon) đã từng sống ở đây cùng với cá heo và một số loài động vật khác.
Cát Bà có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư. Nhiều loài quý hiếm như voọc đầu trắng, sơn dương, rái cá, báo, mèo rừng, cầy hương, sóc đen,... Đặc biệt voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi polyocephalus) là loài đặc hữu của Cát Bà, nên nó được mang tên voọc Cát Bà. Nhiều loài chim quý cũng cư trú hoặc di cư đến đây như sâm cầm, khướu, chim cu xanh, cu gáy,...
Khu DTSQ Cát Bà có hai vùng đệm. Vùng đệm khu trung tâm (vùng đệm Việt Hải) có diện tích 141 ha và vùng đệm bao quanh cả hai vùng lõi có diện tích 7.600 ha, trong đó có 4.800 ha phần đảo và 2.800 ha phần biển. Đây là vùng có chức năng phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân trợ giúp cho công tác bảo tồn vùng lõi.

5- Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng
Tên chính thức là khu DTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, thuộc 5 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Nghĩa Hưng (Tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (Tỉnh Ninh Bình). Khu DTSQ châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận vào ngày 2/12/2004. Tổng diện tích của khu DTSQ này lớn hơn 105 ngàn ha, vùng lõi có diện tích hơn 14 ngàn ha, vùng đệm gần 37 ngàn ha, vùng chuyển tiếp trên 54 ngàn ha, có số dân trên 128 ngàn người.
Đây là khu DTSQ liên tỉnh bao gồm cả Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và các vùng phụ cận, Khu Ramsar Xuân Thuỷ cũng nằm trong khu DTSQ này. Đây là khu Ramsar được công nhận vào năm 1989, là khu đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này. Ramsar là tên Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước, do các nước tham gia ký tại tp. Ramsar, Cộng hoà Hồi giáo Iran. Xuân Thuỷ cũng là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và thứ 50 của thế giới.
Khu DTSQ này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm và có tầm quan trọng quốc tế. Các công trình nghiên cứu đã công bố khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa (Platalea minor), mòng bể (Larus ichthyaetus), rẽ mỏ thìa (Tringa orchropus), cò trắng bắc (Egretta eulophotes),... Sinh cảnh đặc sắc nơi đây là những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng này được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng, thậm chỉ cả thảm hoạ sóng thần nếu xảy ra. Rừng ngập mặn cũng là nơi nuôi dưỡng sinh đẻ của các loài hải sản. Như một vườn ươm cho sự sống của biển, rừng ngập mặn cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển cung cấp nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng,...
Khu DTSQ châu thổ sông Hồng có hai vùng lõi và năm vùng chuyển tiếp.

6. Mũi Cà Mau - khu dự trữ sinh quyển thế giới
Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau được đề cử với quy mô 371.506ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Tại vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) và Vườn Quốc gia U Minh Hạ (huyện U Minh) và dải rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau.
Vùng mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính: hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy hải sản cho cả vùng biển rộng lớn (kể cả vịnh Thái Lan) và nơi lưu dấu tích cư dân đầu tiên di cư từ các vùng miền trong cả nước.
Khu vực này rất đa dạng sinh học, có nhiều vùng sinh quyển độc đáo và hiếm có trên thế giới: Ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ có nhiều loài động vật quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới. Đặc biệt, tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn có nguồn than bùn với quy mô hàng nghìn hecta, được hình thành lâu đời và có nhiều tác dụng tích cực đối với môi trường và cuộc sống.
Bên cạnh đó, khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau còn có nhiều di sản văn hóa, nhân văn đặc sắc, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển và đời sống tâm linh của các dân tộc cư trú trong vùng.
Mau đã đề xuất đến Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia về con người và sinh quyển Việt Nam cho xây dựng và đệ trình hồ sơ khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới, tổ chức khảo sát nhiều đợt và nhiều cuộc hội thảo khoa học.
Và đến nay, mũi Cà Mau đã chính thức được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cà Mau cam kết thực hiện đầy đủ các mục tiêu hợp tác quốc tế trong mạng lưới bao gồm: Nghiên cứu khoa học, tổ chức giáo dục và giám sát ở cấp khu vực và toàn cầu.
Cùng với mũi Cà Mau, Việt Nam còn có Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đợt này. Như vậy, hiện trên toàn cầu có 22 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó riêng Việt Nam có 8 khu, gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh), Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Lắk), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), vùng đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (thuộc các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình), Vườn Quốc gia Pù Mạt (Nghệ An), Vườn Quốc gia Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam), mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

7. Vườn Quốc gia Pù Mạt (Nghệ An)
Nghệ An là một trong những địa phương còn bảo tồn được diện tích rừng nguyên sinh vào loại lớn nhất trong cả nước với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Rừng nguyên sinh Pù Mát, được đánh giá là một trong những khu rừng quí có giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà còn rất hấp dẫn về du lịch bởi sự hoang sơ, cảnh quan tuyệt đẹp và môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm. Đây sẽ là cụm du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển loại hình du lịch sinh thái của Nghệ An. Tài nguyên du lịch chủ yếu của khu du lịch này là: Vườn Quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm, suối Nậm Mọc, sông Giăng, đập Phà Lài, bản Cò Phạt - nơi tộc người Đan Lai sinh sống...Vườn có diện tích 91.113 ha được xem là khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng nhất miền Bắc Việt Nam. Vườn có hệ thực vật rất đa dạng và phong phú: có tới 1.513 loài thực vật bậc cao thuộc 159 họ 545 chi. Trong Vườn có tới 220 loài cây thuốc quý giá như: hà thủ ô, thổ phục linh, quế, ba kích, hoài sơn... và các loài cây lấy gỗ, có trầm hương và có hơn hàng trăm loại rau, cây ăn quả các loại. Hệ động vật có 42 loài thú lớn, 20 loài thú nhỏ, 295 loài chim... Có thể kể tên một số loài như: hổ, báo hoa mai, báo gấm, heo rừng, voọc, vượn đen, gấu chó... Vườn Quốc gia Pù Mát là nơi có đàn voi lớn nhất Việt Nam, các loài chim quý như: Trĩ Sao, Gà lôi, Gà tiêu... Có thể nói Vườn Quốc gia Pù Mát là rừng thiêng, là kho báu tự nhiên của nhân loại, là khu du lịch sinh thái hấp dẫn, lý tưởng. Trong vườn có nhiều thác nước đẹp, nhiều hang động, có cảnh quan lý thú. Vào Vườn Quốc gia Pù Mát, du khách như lạc vào xứ sở của thiên đường với cây cảnh muôn loài. Trên các triền núi cao từ 1.500m trở xuống gọi là rừng lùn, nhiều nơi được coi là cảnh tiên. Cây rừng khổng lồ xen giữa những hòn non bộ, mỗi cây là kỷ vật của tạo hoá với nhiều dáng vẻ. Khu du lịch này rất thuận lợi cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá thăm và tìm hiểu phong tục tập quán của các bản dân tộc. Đến đây, du khách còn được tham dự các lễ hội tiêu biểu của vùng ưa thích loại hình du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm.

8. Cù Lao Chàm:


“Cù Lao Chàm là vùng quần đảo ven biển nằm ở miền Trung Việt Nam, nổi tiếng với các loài sinh vật biển như rặng san hô, động vật thân mềm, giáp xác và tảo biển. Khu dự trữ sinh quyển này bao bọc lấy Hội An - một di sản văn hóa thế giới - xưa vốn là một thương cảng chứng kiến sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và châu Âu” - UNESCO giới thiệu.
Cù Lao Chàm là một quần gồm 8 đảo lớn nhỏ nằm trên khu vực biển có diện tích 15 km2 thuộc xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An - Quảng Nam), phân bổ theo hình cánh cung cách Hội An 19 km. Cù Lao Chàm có trên 1.500ha rừng tự nhiên và 6.700ha mặt nước, được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học hiếm có trên thế giới. Trong đó, đảo lớn nhất là Hòn Lao, với khoảng 3.000 ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản.
Cù Lao Chàm sở hữu rặng san hô rộng 165 ha, gồm 188 loài, 61 giống thuộc 13 họ khác nhau. Khu vực này có hơn 200 loài cá, xuất hiện trong 500 ha rong biển, tảo, cỏ biển… Ngoài ra, sự phong phú của rặng san hô, các thảm cỏ biển, rong biển là môi trường sinh sống, phát triển lý tưởng của các sinh vật đáy như thân mềm, giáp xác, da gai, giun… với mật độ dày đặc.
Không chỉ “giàu có” về các sinh vật biển, quần thể động, thực vật trên cạn của Cù Lao Chàm cũng rất có giá trị. Xã đảo này có nhiều loài cây quý hàng trăm năm như tuế, vông nem và là nơi có độ bao phủ của thảm thực vật lớn. Điều kiện này cũng giúp các loài động vật phát triển, trong đó có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài lưỡng cư. Hai trong số đó có tên trong Sách đỏ Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài.
Cù Lao Chàm - Hội An còn là một quần thể văn hóa, nơi còn nhiều di tích của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt. Từ hơn 3.000 năm trước, nơi đây đã có người sinh sống và trong lịch sử, đay đã từng là một thương cảng nức tiếng, là nơi neo đậu của các thuyền buôn quốc tế trong hành trình giao thương trên biển.
UNESCO đánh giá: với sự hội tụ những giá trị văn hóa và thiên nhiên, sự đa dạng sinh học vốn có, Cù Lao Chàm - Hội An là địa chỉ lý tưởng để xúc tiến phát triển du lịch sinh thái bền vững.


Dulichbui's Blog (Tổng hợp từ nhiều nguồn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Fan Xteen1 Trong Facebook

Video Gallery